Tác giả Tố Hữu là một trong những nhà thơ lớn và tiêu biểu của nền thơ ca Việt
Nam hiện đại. Ông được xem là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạnh. Cho đến nay,
Tố Hữu đã xuất bản 7 tập thơ: “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu
và hoa”, “Một tiếng đờn”, “Ta với ta”. Những tập thơ ấy đều gắn liền, tương ứng
với những chặn đường lớn của cách mạng Việt Nam.
Bài thơ “Việt Bắc” rút từ tập “Việt Bắc” (1947 – 1954) là một bài thơ hay tiêu biểu
cho thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Thông qua cuộc đối thoại tưởng tượng
giữa người ở và người đi trong niềm vui chiến thắng, bài thơ đã thể hiện niềm nhớ
thương tha thiết, tình cảm đằm thắm, sắt son của nhân dân Việt Bắc với cách
mạng, với Đảng, với Bác Hồ, đồng thời thể hiện tình cảm của những người kháng
chiến đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Bài thơ Việt Bắc gồm hai phần: phần đầu bài thơ tái hiện một giai đoạn gian khổ,
vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành
những kỉ niệm sâu nặng trong lòng người. Phần sau nói lên sự gắn bó giữa miền
ngược và miền xuôi trong một viễn cảnh hòa bình vụt sáng của đất nước và kết
thúc bằng lời ca ngợi công ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng đối với dân tộc.
Khổ thơ thứ 8 của bài thơ thuộc phần mở đầu – những kỉ niệm kháng chiến. Giữa
rất nhiều đoạn thơ biểu hiện nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng sắp về xuôi, ta
bắt gặp nỗi nhớ hoa và người Việt Bắc:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Câu một là một câu hỏi chưa được trả lời. Sau câu hỏi này người hỏi khẳng định
nỗi nhớ của mình. Như vậy, người ra đi vừa ướm hỏi lòng người ở lại, vừa khẳng
định những tình cảm trong lòng mình. Hiện lên trên đoạn thơ là hai đại từ nhân xưng “mình” và “ta” rất quen thuộc trong
ca dao, dân ca đã làm cho bài thơ, đoạn thơ nghe như lời tâm tình, thủ thỉ của đôi
lứa yêu nhau. Nó thể hiện sự gắn bó thiết tha của người về với Việt Bắc và tạo nên
giọng điệu trữ tình tha thiết, một điểm nổi bật của thơ Tố Hữu.
Người ra đi khẳng định tình cảm của mình bằng nỗi nhớ, nhớ về những gì đẹp nhất
của Việt Bắc. Đó là “hoa” và “người”. “Hoa” tượng trưng cho thiên nhiên Việt
Bắc, thiên nhiên đẹp và tươi thắm như “hoa”. Hòa trong thiên nhiên ấy là con
người Việt Bắc và họ mới chính là loài hoa đẹp nhất của núi rừng Việt Bắc, con
người ta là “hoa của đất”. “Hoa” và “người” là hai bộ phận không thể tách rời
trong bức tranh Việt Bắc. Cách đặt sóng đôi “hoa cùng người” nhằm biểu lộ tình
cảm của tác giả với mảnh đất Việt Bắc giàu tình nghĩa.
8 câu còn lại diễn tả cụ thể nỗi nhớ của người về và đó cũng là cái cớ để phác họa
hình ảnh và con người Việt Bắc qua bốn mùa trong năm.
Cảnh mùa đông Việt Bắc được ghi lại trong câu đầu:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Sau những ngày thu rét mướt, lạnh lẽo, rừng bỗng biếc xanh đột ngột, màu đỏ tươi
rói của những bông hoa chuối như những ngọn lửa nhỏ. Sắc màu đỏ rực rỡ điểm
xuyết lên nền cây xanh lá khiến cho cây lá thêm xanh hơn và sắc đỏ thêm đỏ hơn.
Núi rừng mùa đông không lạnh lẽo, âm u mà vô cùng sinh động.
Sinh động hơn nữa là ở đèo cao heo hút hiện lên hình ảnh người đi rừng với con
dao trần dắt lưng lấp lánh ánh mặt trời. Câu thơ được coi là sự phát hiện độc đáo
của Tố Hữu. Người đọc có thể cảm nhận hình ảnh mạnh mẽ, tự tin của con người
Việt Bắc trong lao động, với tư thế vận động đi lên hướng về phía trước. Với hình
ảnh người đi rừng ấy, sắc màu đỏ tươi của hoa chuối ấy, núi rừng Việt Bắc đâu
còn hoang vu lạnh lẽo mà trở nên ấm áp và thực sự có linh hồn.
Khi xuân về núi rừng Việt Bắc lại hiện lên một vẻ đẹp khác:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Sắc xanh của khu rừng đã được thay thế bởi sắc trắng của hoa mơ ngày xuân. Câu
thơ “ngày xuân mơ nở trắng rừng” gợi cảm giác hoa mơ nở dần và đến một lúc nào
đó cả màu xanh đã ngập tràn sắc trắng. Phép đảo ngữ trong cặp từ “trắng rừng”
khiến cảnh rừng như bừng sáng, trẻ trung, mới mẻ, tinh khôi. Có thể nói, đây là
một hình ảnh có sức ám ảnh lớn trong thơ Tố Hữu. Việt Bắc trong nỗi nhớ của nhà
thơ dường như không thể thiếu được sắc hoa này. Về sau, trong bài thơ “Theo chân
Bác”, Tố Hữu đã viết:
Ôi sáng xuân nay xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về. Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ
Trên nền khung cảnh ấy hiện ra con người Việt Bắc trong một công việc thầm
lặng: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Hai chữ “chuốt từng” gợi ra được
dáng điệu cần mẫn, trân trọng và tài hoa. Đây là một nét đẹp của con người Việt
Bắc.
Hè đế, cả núi rừng Việt Bắc rộn rã trong tiếng ve ngân:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Đó là tiếng nhạc rừng, tiếng nhạc ấy gọi hè đến và gọi dậy sắc vàng cho rừng
phách. Trong những ngày cuối cùng của mùa xuân, những cây phách vẫn là màu
xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong những kẻ lá. Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên
của mùa hè cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Chỉ có vài ba ngày mà những
rừng phách đã lênh láng sắc vàng.
Chữ “đổ” là một chữ rất tinh tế. Nó nhấn mạnh vào khía cạnh mau lẹ trong việc
biến đổi màu sắc, đồng thời diễn tả những trận mưa hoa vàng rừng phách mỗi khi
có một luồng gió ào qua. Sắc trắng dịu nhẹ của hoa mơ xuân đã nhường chỗ cho
sắc vàng mùa hè.
Cô gái Việt Bắc xuất hiện vẫn là con người lao động. Cô gái hái măng một mình
giữa rừng già mà chẳng thấy cô đơn. Đây là hình ảnh một con người làm chủ cuộc
đời, làm chủ núi rừng. Vần lưng “gái – hái” và điệp phụ âm “m” trong cụm từ
“măng – một – mình” khiến câu thơ ngân nga như câu hát và người đọc hình dung
như cô gái đang hát cùng với âm thanh tiếng ve của núi rừng.
Hai câu thơ cuối miêu tả khung cảnh Việt Bắc vào mùa thu:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành một khung cảnh huyền ảo, khiến ta nhớ đến câu
thơ ở đêm rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Con người Việt Bắc xuất hiện gián tiếp qua âm thanh tiếng hát. Đó là tiếng hát lạc
quan của con người ân tình, chung thủy. Hay có thể hiểu theo cách khách, qua
tiếng hát ta thấy được sự ân tình, thủy chung của con người Việt Bắc.
Bốn bức tranh, bốn cảnh sắc, bốn dánh điệu, Tố Hữu đã thâu tóm được những gì
đặc trưng nhất của quê hương cách mạng. Cảnh vật và con người hiện ra thật đẹp,
thật thơ mộng trong nỗi nhớ của người ra đi. Đó là nỗi nhớ “hoa cùng người”.
Trong nỗi nhớ hiện lên bức tranh bốn mùa rực rỡ màu sắc, rộn rã âm thanh, chân
dung con người lao động khỏe khoắn, cần mẫn, tài hoa, lạc quan, ân tình. Phải yêu
lắm, gắn bó lắm với mảnh đất giàu tình nghĩa ấy Tố Hữu mới có thể viết nên
những vần thơ tinh tế như vậy. Qua đó ta thấy được mối ân tình thủy chung với
quá khứ của cách mạng đối với Việt Bắc. Đó là một tình cảm cao đẹp và đáng quý,
thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Tất cả đều hiện lên trong điệp khúc nhớ thương. Những chữ “nhớ” đứng ở đầu câu
tạo nên âm hưởng rất mặn mà, da diết của nỗi nhớ. Cứ một câu tả cảnh có một câu
tả người. Cảnh và người hài hòa cân đối, cùng hòa quyện trong nỗi nhớ. Tất cả đều
lung linh hơn, huyền ảo hơn. Mỗi người, mỗi cảnh, mỗi thời khắc đã hóa thành tâm
hồn của người về thành phố.
Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ “Việt Bắc” mà ở đó người
đọc thấy được vẻ đẹp của ngòi bút Tố Hữu: giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, đậm đà
tính dân tộc, thể thơ lục bát lúc giản dị, gần gũi như ca dao, lúc trang trọng như
những trang thơ cổ điển, sử dụng sáng tạo hai đại từ “mình” và “ta” trong ca dao
truyền thống để diễn tả tình cảm cách mạng. Có ai đó nói rằng; thơ Tố Hữu là tiếng
thơ của tình thương mến. Cho dù viết về những con người cụ thể hay viết về quê
hương, Đảng, Bác Hồ, thơ của ông bao giờ cũng dạt dào tình cảm, chan chứa ân
tình. Bài thơ Việt Bắc cũng là một bài thơ như thế.